Thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin
Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu, nhất là đối với những gia đình thân nhân liệt sĩ. Hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau và trăn trở với những người còn sống.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ để xoa dịu nỗi đau tinh thần gia đình thân nhân liệt sĩ bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, thể hiện sự tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm và quyết tâm chính trị, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung triển khai tích cực, hiệu quả trong những năm qua. Bên cạnh phương pháp xác minh thực chứng, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có phương pháp giám định GEN (ADN). Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 21.396 hài cốt liệt sĩ; trong đó, số lượng quy tập ở trong nước là 10.307 hài cốt liệt sĩ, ở Lào 3.378 hài cốt liệt sĩ và Cam-pu-chia 7.711 hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu xác định danh tính liệt sĩ rất lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế; thông tin, tài liệu và nhân chứng về các liệt sĩ ngày càng ít; chất lượng mẫu hài cốt giảm dần theo thời gian; nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất; việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, cung cấp thông tin cho các gia đình còn hạn chế…

Ảnh minh họa.

Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (Luật số 26/2023/QH15). Luật được ban hành và có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Luật Căn cước 2023 đã bổ sung thêm thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu Căn cước. Để phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ cho phép triển khai thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính để tạo lập Ngân hàng GEN (ADN) trong Cơ sở dữ liệu Căn cước phục vụ xác định danh tính liệt sĩ. 

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Hưng Yên, Công an tỉnh Nam Định tổ chức Lễ ra quân thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính và tri ân gia đình liệt sĩ. Tham dự chương trình có các đồng chí: Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư; đại diện lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ thuộc Công an Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định. Cùng tham dự chương trình có đại diện chính quyền, các sở, ban, ngành, Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân các Anh hùng liệt sĩ thuộc huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội; huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và đại diện Công ty GENESTORY. 

Phát biểu tại Lễ ra quân thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, việc lấy mẫu ADN đối với thân nhân gia đình liệt sĩ phải là thân nhân dòng mẹ theo mức độ ưu tiên gần kề để sau này có cơ sở đưa các anh hùng liệt sĩ về với gia đình, quê hương; đồng thời để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN thân nhân liệt sĩ phục vụ so sánh, tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Đến nay vẫn còn khoảng 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Việc lấy mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước chuẩn bị đầu tiên cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ còn thiếu thông tin…

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, quan trọng hàng đầu trong chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”. Chứng kiến niềm vui, niềm an ủi của những gia đình đã tìm được thân nhân hy sinh là động lực để những người trực tiếp làm công việc này tiếp tục cố gắng phấn đấu tìm kiếm, quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ, góp phần ổn định chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thể hiện vai trò, trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói chung đối với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

D.H
THÔNG BÁO CÔNG AN TỈNH

TRUYỀN HÌNH VÌ AN NINH TỔ QUỐC
Ảnh 3
Ảnh 3
Ảnh 2
Ảnh 2
Ảnh 1
Ảnh 1
Thống kê truy cập
  • Đang online: 489
  • Hôm nay: 4422
  • Trong tuần: 21 412
  • Tất cả: 6456583

Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Sóc Trăng

Chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá Phạm Quốc Việt - Phó Giám đốc Công an tỉnh
Địa chỉ: 18 Hùng Vương - Phường 6 - TP Sóc Trăng.
Tel: 0693751238, Email: conganst@soctrang.gov.vn
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin Công an tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này